Tip:
Highlight text to annotate it
X
Translator: linh truong hoang Reviewer: Thao Tran
Khi tôi 27 tuổi
tôi đã từ bỏ công việc đầy thách thức là tư vấn quản lí
để đến với một công việc thậm chí còn gian nan hơn: dạy học.
Tôi dạy toán lớp bảy
ở trường công New York City.
Cũng như những giáo viên khác, tôi soạn câu hỏi và bài kiểm tra.
Tôi giao bài tập về nhà cho học sinh.
Sau khi thu bài, tôi chấm điểm.
Điều khiến tôi bất ngờ đó là IQ không phải là điểm khác biệt duy nhất
giữa học sinh giỏi nhất và học sinh tồi nhất của tôi.
Một số học sinh giỏi nhất của tôi
không có chỉ số IQ cao ngất ngưởng.
Một vài học sinh thông minh nhất của tôi lại không có điểm số cao.
Và điều đó khiến tôi phải suy nghĩ.
Những gì bạn phải học ở môn toán lớp bảy,
hẳn là rất khó: tỉ số, số thập phân,
diện tích của hình bình hành.
Nhưng những kiến thức này không phải không thể học được,
và tôi chắc chắn mọi học sinh của tôi
đều có thể học được những kiến thức đó
nếu chúng đủ chăm chỉ trong thời gian dài.
Sau vài năm đi dạy tiếp theo,
tôi rút ra kết luận rằng những gì chúng ta cần trong lĩnh vực giáo dục
là sự thấu hiểu về học sinh và việc học tập
dưới góc độ động lực
và góc độ tâm lí.
Trong giáo dục, thứ chúng ta biết cách đánh giá chính xác nhất
là IQ. Nhưng biết đâu việc bạn có thể học tốt và sống tốt
phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là
khả năng tiếp thu nhanh và dễ dàng?
Vì thế tôi đã nghỉ dạy,
đi học cao học và trở thành bác sĩ tâm lí.
Tôi bắt đầu nghiên cứu về trẻ em và người lớn
trong các tình huống vô cùng thách thức,
và trong mỗi nghiên cứu, câu hỏi của tôi luôn là
ai là người thành công ở đây và tại sao?
Nhóm nghiên cứu của tôi đã đến học viện quân sự West Point.
Chúng tôi thử dự đoán xem học viên nào
sẽ tiếp tục tham gia huấn luyện quân sự và ai sẽ bỏ cuộc.
Chúng tôi đã đến cuộc thi Chính tả Quốc gia
và cố gắng đoán xem đứa trẻ nào sẽ tiến xa nhất
trong cuộc thi.
Chúng tôi nghiên cứu về những giáo viên mới vào nghề
làm việc trong môi trường cực kì khó khăn,
dự đoán xem những giáo viên nào sẽ tiếp tục ở lại giảng dạy
đên tận cuối năm học,
và trong số họ, ai là người
cải thiện kết quả học tập của học sinh hiệu quả nhất?
Chúng tôi cộng tác với những công ty tư nhân, tìm hiểu xem
nhân viên bán hàng nào sẽ tiếp tục công việc của mình
và nhân viên nào kiếm được nhiều tiền nhất.
Trong tất cả các hoàn cảnh khác nhau đó
có một yếu tố nổi bật
báo hiệu cho sự thành công
Và đó không phải trí thông minh xã hội (social intelligence)
Đó không phải là vẻ ngoài ưa nhìn, thể lực tốt, cũng không phải là IQ.
Mà đó là sự bền bỉ.
Sự bền bỉ bao gồm lòng đam mê và sự kiên trì để đạt tới một mục tiêu dài hạn.
Bền bỉ nghĩa là có sức chịu đựng tốt.
Bền bỉ là luôn hướng tới tương lai của bạn, ngày này qua ngày khác,
không chỉ trong một tuần, không phải trong một tháng
mà trong nhiều năm liền, và luôn cố gắng làm việc
để biến tương lai đó thành hiện thực
Bền bỉ nghĩa là sống như thể cuộc đời là một cuộc chạy marathon, chứ không phải một cuộc chạy nước rút.
Vài năm trước, tôi bắt đầu nghiên cứu về tính bền bỉ
ở trường công Chicago.
Tôi đã mời hàng ngàn học sinh sắp tốt nghiệp trung học
làm những bảng khảo sát về tính bền bỉ,
sau đó đợi khoảng hơn một năm
để xem những ai sẽ tốt nghiệp.
Hóa ra những học sinh bền bỉ hơn
thì nhiều khả năng sẽ tốt nghiệp hơn hẳn,
kể cả khi tôi so sánh chúng ở mọi phương diện mà tôi có thể đo đếm được
như thu nhập gia đình
điểm thi tiêu chuẩn,
thậm chí cả mức độ an toàn những đứa trẻ cảm thấy khi ở trường.
Như vậy không chỉ ở tại West Point hay trong cuộc thi Chính tả Quốc gia
sự bền bỉ mới quan trọng. Nó cũng rất quan trọng trong trường học,
đặc biệt là với những em đang có nguy cơ bỏ học.
Đối với tôi, điều bất ngờ nhất về tính bền bỉ
đó là việc chúng ta biết ít như thế nào,
khoa học biết ít như thế nào, về cách xây dựng nó.
Mỗi ngày, các bậc phụ huynh và những giáo viên đều hỏi tôi rằng,
"Làm thế nào để rèn luyện tính bền bỉ cho những đứa trẻ?
Làm thế nào tôi có thể dạy chúng tin vào sức lao động?
Làm thế nào để tôi có thể khiến chúng luôn luôn cảm thấy có động lực?"
Thành thật mà nói, tôi không biết.
Điều tôi biết đó là tài năng không khiến bạn trở nên bền bỉ hơn.
Những số liệu của chúng tôi đã cho thấy rõ
rằng có rất nhiều người tài năng
nhưng không chịu kiên trì với những mục tiêu của họ.
Sự thật là, trong những số liệu của chúng tôi, sự bền bỉ thường không liên quan
hay thậm chí tương quan nghịch với tài năng.
Đến bây giờ, quan điểm hay nhất mà tôi từng được nghe về cách xây dựng sự chăm chỉ ở trẻ
đó là "tư tưởng cầu tiến".
Đây là một quan điểm được phát triển tại đại học Stanford
bởi Carol Dweck. Quan điểm này nói rằng
khả năng học tập không phải là thứ không thể thay đổi,
nó có thể thay đổi cùng với những nỗ lực của bạn.
Tiến sĩ Dweck đã chỉ ra rằng khi trẻ đọc và học về
não bộ và cách nó thay đổi và phát triển
khi đối mặt với thách thức.
có nhiều khả năng đứa trẻ sẽ trở nên kiên trì hơn mỗi khi chúng thất bại,
bởi chúng không còn tin rằng thất bại đó
là vĩnh viễn.
Vì vậy "tư tưởng cầu tiến" là một tư tưởng tuyệt vời cho việc xây dựng tính bền bỉ.
Nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế.
Tôi sẽ kết thúc bài phát biểu của mình tại đây,
bởi đó là tất cả những gì chúng ta đạt được tại thời điểm này.
Đó cũng là công việc đang chờ chúng ta phía trước.
Chúng ta cần phải phát huy những ý kiến hay nhất cùng với trực giác mạnh nhất
và kiểm chứng chúng.
Chúng ta cần phải đánh giá xem liệu chúng ta đã thành công hay chưa
và chúng ta phải sẵn sàng thất bại hay phạm sai lầm,
để bắt đầu lại với những bài học đã học được.
Nói cách khác, chúng ta cần phải bền bỉ
trong việc khiến những đứa trẻ trở nên bền bỉ hơn.
Cảm ơn.